Wednesday, December 16, 2009

TÌM HIỂU SỐ MẠNG CON NGƯỜI

TÌM HIỂU SỐ MẠNG CON NGƯỜI

«Số mạng là gì ? Có thật không ?

«Vai trò của ông Trời quan trọng ra sao ?

«“Nhận định thắng thiên” sai hay đúng ?.

Trong đời ai cũng có lúc thắc mắc về những ngày sắp tới của mình : công danh, sự nghiệp ra sao ? Việc đang làm thành hay bại ? Cuộc đời thọ hay yểu ? Những thắc mắc đó và những thắc mắc khác nữa, cứ ám ảnh con người mãi không thôi. Trời thì cao, đất thì rộng còn vũ trụ thì bao la, chất chứa bao nhiêu điều huyền bí làm con người sợ hãi. Từ đó, để được yên tâm, người ta đi tìm một sự giải thích cho những rủi may xảy ra trong cuộc sống và danh từ số mạng ra đời.

Số mạng hay số mệnh là hai tiếng dùng chỉ chung những thăng, trầm, vinh, nhục, sướng, khổ … xảy ra cho một người từ lúc người ấy sinh ra đến lúc chết đi. Hiểu như thế thì ai cũng có số mạng cả vì cuộc đời mỗi người không ai giống ai và mỗi ngày lại mỗi thay đổi. Nhưng thông thường, đối với đa số; hai chữ này được mang một ý nghĩa khác hơn vì người ta nghĩ đến những quyền uy thiêng liêng đã ảnh hưởng đến nó. Như vậy sự thật ở đâu ? Số mạng do con người tạo ra hay do bên ngoài đưa đến ? Chúng ta cần tìm hiểu tường tận.

Ông Trời : đấng toàn năng

Vào thời thượng cổ, xã hội Đông cũng như Tây chịu ảnh hưởng của thần quyền khá nặng. Con người dễ sùng bái những sức mạnh nào có ảnh hưởng đến họ mà họ không thể tránh cũng không thể tìm hiểu được. Thấy một người đang khoẻ mạnh bỗng lăn đùng ra chết trong khi một người khác bị lật xe mà không hề hấn gì; thấy một người phải làm đầu tất mặt tối mà không đủ ăn, trong khi người khác chẳng bao giờ phải động đến cái móng tay mà vẫn phong lưu, lại còn trúng số độc đắc nữa, ai cũng phải tin rằng những việc đó, đã do một bàn tay vô hình nào sếp đặt sẵn mà con người không thể cưỡng lại được.

Chính vì thế, khi bàn về số mạng, người Trung Hoa đã quyết đoán : “Tử sinh hữu mạng, phú qúy tại thiên”. Sang Việt Nam, ý kiến ấy cũng được nhiều nhà nho chia sẻ :

Cho hay muôn sự tại trời,

Trời kia đã bắt làm người có thân,

Bắt phong trần phải phong trần,

Cho thanh cao mới được phần thanh cao,

Có đâu thiên vị người nào ….

(Đoạn Trường Tân Thanh)

Nguyễn Du cuộc đời gặp nhiều cảnh long đong nên phải đầu hàng định mệnh đã đành; ngang tàng như Nguyễn Công Trứ mà cũng phải thú nhận :

Chung cục thì chỉ cũng tại Trời.

Còn hạng bình dân thì tha hồ mà tin tưởng :

Số giàu tay trắng cũng giàu.

Số nghèo chín đụn mười trâu cũng nghèo.

Hay là :

Số giàu đưa đến dửng dưng.

Lọ là con mắt tráo trưng mới giàu,

Cây khô tưới nước cũng khô.

Phận nghèo đi đến xứ mô cũng nghèo.

Thế là mọi người đã đồng ý với nhau, quyền hạn phúc trời tranh mất cả, chút tiện nghi chẳng tủi phận ai, con người rút lại chỉ còn là một thứ đồ chơi trong bàn tay tạo hóa. Thật không còn gì đáng chán hơn nữa ! Mà ta không tin làm sao được khi chứng kiến bao nhiêu việc sờ sờ bày ra trước mắt. Đặng Thông, một bầy tôi yêu của vua Hán Văn đã bị tướng sư Hứa phụ phê là sẽ chết đói vì cái văn đằng xà nhập khẩu; sau qủa bị giam không được ăn mà chết. Võ Tắc Thiên, người đàn bà lừng danh đã một thời nắm vận mệnh nước tàu, lúc còn nhỏ được cha mẹ qúy mến, cho ăn mặc theo lối con trai. Một danh sư vế tướng số trông thấy, than rằng :


– Nếu đứa bé này là con gái có thể lên ngôi cửu ngũ được, rất tiếc !

Như vậy, rõ ràng số mạng là điều có thật và ta có thể biết trước được. Nhưng có phải là :”Nhất ẩm nhất trác, giao do tiền định” cả không ? Chung cuộc thì chỉ cũng tại Trời cả không ?.

Trong trận đại chiến thứ hai nhân loại có qúa nhiều người chết. Những người đó chết vì ý muốn của Trời hay vì lòng tham không đáy và sự tàn bạo của Hitler ?. Hai qủa bom nguyên tử rơi xuống đất Nhật cũng là do ý kiến của Trời hay đó chỉ là quyết định của Tổng Thống Hoa Kỳ Truman và là kết quả của nhiều nhà bác học sau bao năm tìm tòi nghiên cứu ? Và nếu cho rằng Trời thật sự đã tạo ra số mạng thì con người không còn ai phải chịu trách nhiệm về việc mình làm nữa, vì đó là ý muốn của Trời và cũng không thay đổi được. Một người có số thi đậu cứ chơi đùa đi, một người có số giàu có cứ ăn không ngồi rồi đi mà vẫn thi đậu và vẫn giàu có như thường. Ghê gớm hơn nữa, một người có số trường thọ thì dù có kê súng vào màng tang bắn cũng không chết. Có phải thế chăng?

Ta thấy ngay, đó là những điều vô lý vì không bao giờ chúng xảy ra được cả. Ngày nay ông Trời đã bị truất phế và ta phải đi tìm đường lối giải thích khác.

SỐ MẠNG : Kết qủa của nhiều nguyên nhân

Ngày xưa qui mọi trách nhiệm cho Trời, đó là một thái độ vừa sai lầm vừa nhu nhược. Bởi vì cuộc đời một con người được xác định bởi những yếu tố bên ngoài và bên trong của chính người ấy.

I/-YẾU TỐ BÊN NGOÀI :

1- Xã hội : bao gồm văn hóa, chính trị, tôn giáo

Trước hết con người phải sống trong một xã hội. Mỗi xã hội có một văn hóa, một sắc thái chính trị và một tôn giáo riêng. Đó là môi trường rộng lớn mà dù muốn dù không con người cũng phải tham dự vào và chịu ảnh hưởng ít nhiều.

Một xã hội văn minh khác một xã hội bán khai, một xã hội công nghiệp lại khác với một xã hội nông nghiệp. Một kẻ tầm thường ngày nay nếu sống lùi lại vài trăm năm về trước có thể sẽ là một nhà bác học. Mỗi xã hội lại có một chế độ chính trị riêng. Một người sống ở Anh hay ở Nhật còn hy vọng làm vua, còn ở Việt Nam thì không, dù người ấy có lá số tốt đến đâu vì chính thể quân chủ ở nước ta không còn nữa. Tôn giáo cũng mỗi nơi mỗi khác; mỗi thời mỗi khác. Một người Hồi Giáo có quan niệm sống khác với một người Thiên Chúa Giáo hay Phật Giáo … và lại không giống với một người không theo một tôn giáo nào cả.

2- Gia đình : bao gồm Nghề nghiệp, đời sống vật chất, đời sống tình cảm

Gia đình là một tế bào của xã hội có phạm vi hẹp hơn cả xã hội, nhưng lại có ảnh hưởng mạnh hơn xã hội. Nghề nghiệp giữ vai trò quan trọng trong việc tạo nên nếp sống gia đình với những điều kiện về vật chất và tinh thần riêng. Con cái của một gia đình buôn bán ở thành thị dễ khôn khoan, lanh lợi hơn con một gia đình làm ruộng ở nhà quê. Nhà giàu có, con cái dễ tiêu xài rộng rãi hơn con cái những gia đình túng thiếu. Cuối cùng, với những gia đình hòa thuận, con cái tự tin lúc đối phó với cuộc đời hơn là những đứa phải sống trong cảnh lục đục cha mẹ bất hòa hay ly dị nhau. Số anh em hay chị em cũng không kèm phần quan trọng. Nhà con một, đứa trẻ thường có mặc cảm cô độc hơn những đứa đông anh em. Lamartin có tâm hồn lãng mạn phải chăng vì ông sống trong một gia đình gồm toàn chị em gái ?.

II/-YẾU TỐ BÊN TRONG :


1- Dòng dõi : bao gồm sức khoẻ, tài năng

Mỗi người mang trong mình dòng máu của tổ tiên với những ưu khuyết điểm của nó về sức khoẻ cũng như tài năng. Đây là phần ta phải chấp nhận một cách tuyệt đối, không thể từ chối hay thay đổi được. Con cháu của những người sống lâu sẽ có hy vọng sống lâu hơn con cháu của những người có tổ tiên chết yểu. Những người thuộc dòng dõi một gia đình nghệ sĩ dễ có năng khiếu nghệ thuật hơn những kẻ bình thường.

2- Cá nhân : bao gồm sức khoẻ, bản tính

Đây là yếu tố cuối cùng và cũng là yếu tố quan trọng hơn cả. Yếu tố sức khoẻ di truyền của tổ tiên tạo nên sức khoẻ hiện tại. Sức khoẻ giữ vai trò chính trong việc giúp con người tham dự vào mọi sinh hoạt hằng ngày. Có sức khoẻ người ta mới có thể thực hiện được ý muốn và tạo nên công danh sự nghiệp. Ít khi có một người đau yếu, bạc nhược làm nên được điều gì đáng kể. Trong nền văn học ở nước ta cũng chỉ có một mình Hàn Mạc Tử là nổi tiếng với bệnh cùi, trong khi đó Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam, Quách Thoại … đều chấm dứt sự nghiệp và cuộc đời mình về bệnh lao.

Nhưng sức khoẻ vẫn không quan trọng bằng bản tính. Thật vậy, bản tính chi phối tất cả. Một người yếu đuối vẫn có thể ham hoạt động nếu người ấy có nhiệt tâm nhưng một người đã lãnh đạm, lười biếng thì vô phương dù người đó yếu hay mạnh cũng vậy. Hai chữ bản tính chỉ chung những đặc điểm về tinh thần bẩm sinh đã có của một người. Những đặc điểm này sẽ tồn tại mãi mãi, nó chỉ đổi thay mà không bao giờ biến mất và vì thế nó chi phối mọi sinh hoạt của con người một cách mãnh liệt. Một người đã có tính hà tiện thì suốt đời lúc nào cũng hà tiện và với ai cũng hà tiện. Và dĩ nhiên một người ham tiền dễ có hy vọng làm giàu hơn một người chẳng bao giờ chú ý đến việc mình giàu hay nghèo.

Bản tính quan hệ hơn sức khoẻ nhưng cũng tuỳ thuộc vào sức khoẻ. Khoẻ mạnh người ta vui vẻ, yêu đời, khi đau người ta buồn rầu, chán nản. Nó lại còn đổi thay theo thời gian nữa. Lúc trẻ, người ta liều lĩnh nên dễ dãi, đến già con người thận trọng hơn là trở nên khó tính.

Sức khoẻ và bản tính còn giữ phần quan hệ trong việc cấu tạo nên tài năng của một người, điều quan trọng nhất để thay đổi lối sống của người ấy. Một đứa trẻ khoẻ mạnh và cương quyết, dễ trở thành một nhà thám hiểm hơn một đứa bé yếu đuối và do dự dù cả hai đều ưa phiêu lưu như nhau.

*KẾT LUẬN :

Đến đây ta thấy số mạng con người có phải là một cái gì ngẫu nhiên hay huyền bí đâu. Nó là kết qủa tất nhiên của nhiều yếu tố ai cũng có mà ta vừa nêu ở phần trên. Có thể nói rằng : “Số mạng của một người là kết qủa những phản ứng từ bên trong của người ấy (dòng dõi, sức khoẻ, bản tính); đối với bên ngoài (gia đình và xã hội) để lập nên sự thăng bằng mỗi ngày”.

Cuộc đời người ta khác nhau vì những phản ứng khác nhau. Từ đó ta hiểu tại sao lúc xem Tử-Vi các cung Mệnh, Phúc-Đức, Giải-Ách đều được coi là những cung quan trọng (cường cung).

Những ý kiến vừa trình bày trên đây chắc chắn đã làm cho một số người không đồng ý. Chắc hẳn quý độc giả sẽ đưa ra nhiều lý do, nhiều trường hợp để chứng tỏ rằng số Mạng vẫn còn là là một cái gì vượt ra ngoài khả năng kiểm soát của con người. Tại sao một người đông con mà lúc chết lại cô độc ?. Tại sao một kẻ tầm thường mà bỗng chốc danh lững lẫy thiên hạ. Tại sao và tại sao ?. Thiết nghĩ, khi thắc mắc như vậy ta chỉ nhìn vào kết qủa mà không chịu tìm hiểu nguyên nhân cho tường tận. Nếu biết rõ nguyên nhân ta sẽ không còn thắc mắc nữa. Còn tại sao các nhà tướng số biết trước được số mạng con người và số mạng đó có thay đổi được hay không thì đó lại là đầu đề của một bài thảo luận khác. Xin hẹn qúy vị vào một dịp khác.

rCác tài liệu tham khảo :

Số Mệnh là số Mệnh hay “Đức năng thắng số”

Tham luận về lý cách của Tử-Vi

Câu chuyện số mệnh của Liễu Phàm Tứ Huấn

– Sách “Tử Vi Tổng Hợp” của Cụ Nguyễn Phát Lộc – Chương 25 : Tham luận về vấn đề cải sửa số Mệnh trong khoa Tử-Vi (từ trang 654-679)

– Sách
“Tử Vi khảo Luận” – Chương 5 : Triết lý Tử-Vi (từ trang 506-540) của TS Hoàng Thường và Hàm Chương.

No comments:

Post a Comment